Kẹo Cu Đơ có nguồn gốc từ xóm Thịnh Bình, ngày xưa gọi là Thịnh Xá, vùng quê nằm ở vùng hạ lưu con sông Ngàn Phố , huyện Hương Sơn , tỉnh Hà Tĩnh do gia đình ông Chắt Vy, ông còn có tên gọi thân mật khác của dân quê thường gọi là ông Cu Hai chuyên về nấu kẹo lạc lúc bấy giờ. Sau khi qua đời, ông bà đã truyền lại nghề này cho người con gái đầu tên là Cầm, hiện nay bà Cầm tuổi đã cao, không còn làm nghề nấu kẹo Cu Đơ nữa , hiện bà đang sống với các con ở thành phố Vinh. Tại quê gốc của kẹo Cu Đơ bây giờ vẫn còn rất nhiều người nấu, nhưng không có ai là con cháu của gia đình ông Cu Hai, chỉ có một số người bà con xa, người trong làng, trong xã vẫn duy trì nghề nấu kẹo Cu Đơ để bán trong ở các phiên chợ Gôi , Choi, Nầm… Ở TP Hà Tĩnh thì nổi tiếng với kẹo Cu Đơ của ông bà Thư Viện ở Cầu Phủ . Hương Sơn bây giờ vẫn có nhiều gia đình nấu kẹo Cu Đơ lắm, nhưng đi ngược theo đường QL 8A lên TT Phố Châu , có gia đình nhà bà Hường Cao cũng được coi là nổi tiếng về nghề nấu kẹo Cu Đơ truyền thống. Khách đi qua về lại, người vào Nam ra Bắc khi qua đây cũng không quên mua cho mình một vài chục về ăn, thưởng thức hương vị của kẹo, hay những người ở quê, những người đi xa về thì thường mua để gửi, mang đi cho người thân, bạn bè. Vì vậy, kẹo Cu Đơ vẫn cứ nối tiếp truyền thống từ xưa cho đến hôm nay và sẽ là mãi mãi về sau trong nét văn hóa ẩm thực của người dân Hương Sơn - Hà Tĩnh. Thời gian trôi qua cũng đã đến trăm năm nhưng cái tên gọi Cu Đơ giản dị vẫn còn mãi cho đến bây giờ như hương vị đậm đà của nó, như thể câu hát dân ca giận mà thương, gừng cay muối mặn quê mình…Ngày ấy, khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta, ở xã Sơn Hòa (là một xã giáp với Sơn Thịnh ), có trường Thiếu sinh quân, cách nhà ông Cu Hai khoảng 2 cây số, lúc hết giờ học, học sinh thường rủ nhau ra nhà ông Cu Hai ăn kẹo lạc, có người dân bảo rằng lúc đó, kẹo được nấu lên rồi đổ vào tấm lá chuối khô, kẹp lại hoặc múc vào bát ăn cơm, dân quê thường gọi là kẹo đọi (bát) rồi dùng thìa để xúc ăn, ăn xong uống bát nước chè xanh ba chò. Lúc bấy giờ học sinh học tiếng Pháp và cũng có cả người Pháp cũng vào ăn kẹo lạc nhà ông, từ Hai trong tiếng Pháp là (Deux) đọc là "Đơ", nên sau đó cứ truyền miệng nhau gọi như thế và quen dần từ kẹo lạc ông Cu Hai sang kẹo lạc ông Cu Đơ, cái tên kẹo Cu Đơ theo ngày tháng, bao đổi thay, thăng trầm mà vẫn tồn tại mãi cho đến bây giờ. Nguyên liệu làm nên kẹo Cu Đơ như mật mía, lạc, gạo, vừng, gừng… đó đều là những sản phẩm một nắng hai sương, mặn chát mồ hôi của người nông dân, là tinh hoa đất trời con người đã chắt chiu làm nên, để rồi sản phẩm cuối cùng cho ra là kẹo Cu Đơ có vị ngọt của mật, vị bùi thơm của lạc, gạo, vừng, vị cay của gừng, của hương đời và tình người xứ Nghệ. Sau khi thưởng thức kẹo, uống một bát chè xanh Hương Núi được hái vào khi chè còn ngậm sương nấu lên trong nồng nàn khói tỏa, những hương vị quê nhà đó quyện vào nhau thật là ngọt ngào, đắm say; ăn một lần nhớ mãi, nhất là ăn lúc kẹo còn ấm nóng và dẻo, dòn. Đặc biệt, khi mỗi độ thu về, đông đến mang theo chút heo may se lạnh thì hương vị đó lại càng được thăng hoa… Thành phần kẹo gồm mật mía, lạc nhân hay có tên gọi khác là đậu phộng hạt, mạch nha, bánh đa có lẫn ít vừng (bánh tráng), thêm gia vị khác là gừng tươi. Mật mía phải là thứ mật nguyên chất, ngày xưa mật mía Sơn Thọ nổi tiếng thơm ngon, chất lượng. Bánh đa được quạt trên than hồng vừa đủ độ giòn thơm và phải tròn, phẳng. Lạc nhân thì phải chọn những hạt khô giòn sáng đẹp, không bị nấm mốc. Mật được đun sôi bằng nồi, chảo gang hoặc nhôm, sau đó cho Lạc nhân vào vừa đảo đều nhẹ nhàng để cho kẹo khỏi bị lắng xuống đáy nồi và bị cháy, sau thời gian đun và kết hợp với màu sắc của kẹo mà người nấu có bí quyết riêng để lạc vừa dòn mà mật cũng không bị khê rồi cho thêm ít gừng tươi thái nhỏ để thêm vị cay đậm đà. Bấy giờ người thợ mới múc kẹo đổ lên bánh đa tròn đã được quạt giòn trên than hồng, dàn mỏng đều rồi đặt trên nong phẳng; sau một thời gian nhất định thì dùng tiếp một tấm bánh đa tròn khác áp vào tấm đã được phết kẹo và thế là ta đã được một tấm kẹo Cu Đơ tròn như trăng rằm hoặc cũng có thể dùng tấm bánh đa đã phết kẹo lên và gấp đôi lại thì ta có chiếc kẹo hình bán nguyệt. Sau đó, sắp chồng lên nhau từ 5, 10, 20 cái, gói báo và đóng vào túi nilon cho thật kín để giữ cho kẹo luôn nóng giòn, thơm, để rồi kẹo Cu Đơ lại tiếp tục hành trình của mình, mang theo vị thơm thảo, nét văn hóa ẩm thực của người Hương Sơn đến mọi miền đất nước. Theo: http://huongson.com.vn/